Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 4 này sẽ đưa ra lấy ý kiến để quyết định về Đề án thành lập Công ty
Cho vay tái thế chấp nhà ở.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 4 sẽ đưa ra lấy ý kiến để quyết định về Đề án thành lập Công ty Cho vay tái thế chấp nhà ở.
Tổ chức tái thế chấp có nguồn lực huy động từ các nguồn khác nhau để mua lại các hợp đồng tín dụng, các khoản nợ của các ngân hàng thương mại; tạo nguồn vốn trung, dài hạn để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tiếp tục
cho vay nhà ở.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, hình thức chuyển nợ của các tổ chức, cá nhân từ ngân hàng thương mại sang tổ chức tái thế chấp là mô hình khá phổ biến ở các nước trên thế giới.
Tổng dư nợ cho vay BĐS của ngân hàng hiện nay là 268.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% tổng dư nợ; con số này của năm 2009 là 270.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng cho BĐS ở mức thấp nhất là 230.000 tỷ đồng khi thực hiện chính sách siết chặt tín dụng với BĐS.
Thủ tục hành chính còn vướng là vấn đề được nhiều thành viên Ban Chỉ đạo đề cập cùng với những kiến nghị về thủ tục hành chính. Ngay cả thông tư liên bộ về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đã được nghiên cứu cả năm nhưng đến thời điểm này vẫn chưa hoàn tất. Đây là chính sách mà thị trường rất mong chờ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, việc thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai có những khái niệm mới rất khó nhưng các bộ phải ngồi lại để tháo gỡ.
Để tạo ra giải pháp căn cơ cho thị trường, cần tập trung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là thông tư liên bộ về thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai, đề án mô hình cơ quan tái cho vay thế chấp.