Trước động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng thương mại khi được hỏi đều rất hào hứng và khẳng định, sẵn sàng
cho vay với lãi suất thấp.
Mặt bằng mới về lãi suất
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank thì: “Hạ trần lãi suất lần này giảm được nguồn ngắn hạn và tăng nguồn cung dài hạn, đồng thời, tạo mặt bằng lãi suất mới cả cho vay lẫn huy động. Đây là nền tảng như “thuyền và nước”, khi nước xuống thì thuyền cũng xuống theo, khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng hạ theo”.
Trước băn khoăn việc trần lãi suất huy động giảm xuống thấp, liệu người gửi có rút vốn ra đầu tư vào các kênh khác, như chứng khoán, vàng, bất động sản…, ông Hưởng cho rằng, việc hạ trần lãi suất sẽ có tác động đến sự dịch chuyển đó, nhưng không nhiều, vì lãi suất chỉ hạ ở các kỳ hạn dưới 6 tháng; các kỳ hạn dài hơn vẫn được thỏa thuận và hấp dẫn.
“Cơ cấu của lãi suất huy động với các kỳ hạn hiện nay là hợp lý. Bởi vì nó kích thích dòng tiền gửi tập trung ở các kỳ hạn dài hơn với lãi suất cao hơn. Điều này là rất cần thiết cho các ngân hàng thương mại trong cân đối vốn”, ông Hưởng giải thích.
Còn theo ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hạ lãi suất là hoàn toàn hợp lý, vì từ đầu năm tới giờ tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàngng thương mại vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
“Hạ lãi suất huy động là tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng tín dụng. BIDV đã chuẩn bị phương án này, từ đầu tháng 2 đã tạo điều kiện nội bộ cho các chi nhánh hạ lãi suất huy động. Với dự báo giảm lãi suất như vậy, nguồn tiền gửi kỳ hạn dài thời gian vừa qua tăng mạnh”, ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, việc hạ lãi suất huy động ảnh hưởng mức độ nào đó đến việc huy động vốn, có giảm nhưng không nhiều mà vẫn duy trì được nguồn đáp ứng nhu cầu của bộ phận tín dụng. Từ đầu năm đến giờ, tăng trưởng tín dụng 1,6%, huy động vốn tăng 2%.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank nhận định: “ Quyết định giảm trần lãi suất lần này của NHNN sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền gửi vào ngân hàng, bởi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn là thoả thuận. Hơn nữa, quyết định giảm lãi suất lần này thực tế không tác động nhiều đến việc cắt giảm chi phí đầu vào cho ngân hàng.
Tuy nhiên, Sacombank sẽ cân đối để giảm lãi suất cho vay. Thực tế, thời gian qua lãi suất cho vay của Sacombank đã giảm rất nhiều, đặc biệt là các gói tín dụng ưu đãi cho từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể”.
Trao đổi tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, đợt giảm lãi suất huy động lần này nhằm điều hành lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Lãi suất - “thủ phạm” làm tín dụng thấp?
Số liệu do bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến 13/3, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn âm1,5%, nhưng nếu tính từ đầu tháng 3 thì đã tăng trưởng trở lại với khoảng 0,12%.
Theo đánh giá của HSBC, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm hiện tại vẫn âm cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ còn “đóng băng”, trừ khi những cải cách thực sự quan trọng được tiến hành để giải quyết vấn đề nợ xấu.
“Nguồn vốn tiền đồng dư thừa trong hệ thống phản ánh nhu cầu vay thấp. Việc giảm lãi suất huy động tiền đồng và giảm lãi suất tái cấp vốn là những nỗ lực của NHNN để hỗ trợ nền kinh tế đang bị bủa vây”, nghiên cứu của HSBC nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo lo ngại của HSBC, việc giảm trần lãi suất huy động sẽ có nhiều khả năng khiến cho người dân gửi tiết kiệm theo đuổi các hình thức đầu tư tài sản khác với lãi suất cao hơn, thay vì thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế. Và trong bối cảnh lãi suất cho vay qua đêm hiện tại ở mức 1,3% và lãi suất thị trường mở OMO ở mức 5,5% (nhiều khả năng giảm xuống 5% vào hôm nay), các điều kiện cấp vốn tiền đồng rẻ cho thấy lãi suất không phải là thủ phạm đứng đằng sau hiện tượng tăng trưởng tín dụng trì trệ của Việt Nam.
“Một khi các khoản nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết, ngân hàng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay được. Điều đó có nghĩa rằng, nhu cầu nội địa ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục trì trệ khiến cho tăng trưởng sẽ vẫn nằm dưới mức khuynh hướng chỉ khoảng 5,6% trong năm 2014. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với nền kinh tế không đồng đều, trong đó những doanh nghiệp thiên về xuất khẩu sẽ nổi trội hơn trong khi những doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa sẽ chịu những điều kiện tín dụng khó khăn và nhu cầu trì trệ”, bản tin của HSBC cho biết.