Thay vì đối mặt với song sắt nhà giam, các lao động tình dục mà cảnh sát tóm trên phố ở Phoenix, Arizona sẽ phải vào nhà thờ.
Từ năm 2011, thành phố Phoenix, bang Arizona thực hiện Dự án Hoa hồng - một chính sách nhằm xóa nạn mua bán dâm. Cảnh sát tiến hành các chiến dịch càn quét trên phố, sử dụng công cụ tìm kiếm trên mạng để lập danh sách gái mại dâm. Họ bắt rất nhiều cô gái bán hoa ngay khi "hành sự". Nhưng thay vì tống vào tù, cảnh sát chỉ còng tay và đưa họ tới trường Công tác xã hội bang Arizona. Gái bán dâm có thể quyết định một trong hai lựa chọn: Vào nhà tù liên bang hay cải tạo.
Dominique Roe-Sepowitz, giám đốc của Phòng Nghiên cứu can thiệp nạn mua bán dâm và cũng là giáo sư xã hội học của Đại học Arizona, tổ chức Dự án Hoa hồng. Dự án cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, nhà ở và các dịch vụ hỗ trợ khác cho người lao động tình dục (những người hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục, đặc biệt là đối tượng bán dâm). Những người hoàn thành chương trình, hoặc phạm tội nghiêm trọng, sẽ không được phép tham gia chương trình lần nữa nếu bị bắt.
|
Cảnh sát Mỹ thay đổi phương pháp bắt trước, hỏi sau đối với gái bán dâm |
Các nhà hoạt động ở địa phương phàn nàn rằng ban điều hành Dự án Hoa hồng ép buộc người lao động tình dục phải tham gia vào chương trình, nếu không họ sẽ bị bắt. Những người đã tham gia chương trình cho biết, gái bán dâm được đưa vào một căn phòng không có cửa sổ. Các công tố viên và nhân viên điều tra cùng đại diện của Dự án gặp họ và đưa ra lựa chọn tham dự chương trình cải tạo. Trung úy James Gallagher, cựu chỉ huy bộ phận Tội phạm xã hội Phoenix và nhà hoạt động Roe-Sepowitz khẳng định đang cố gắng giúp đỡ những người phụ nữ tội nghiệp tìm đường thoát khỏi cuộc sống nguy hiểm. Bà Roe ước tính, 35% số phụ nữ từng tham gia dự án cuối cùng cũng quay về với cuộc sống lành mạnh, tích cực.
“Khi đã bán dâm một lần, họ sẽ không thể rút chân ra. Nhiều người xung quanh họ cũng làm điều đó, và họ sẽ hình dung sai về một mối quan hệ tình cảm đúng đắn”, bà phân tích.
Bang Arizona dùng tiền thuế để trả phần lớn chi phí giúp đỡ đối tượng phụ nữ bán dâm, như trả 3.000 USD cho nhà thờ Bethany Bible sau mỗi cuộc bố ráp trong hai ngày hàng tháng.
|
Người dân biểu tình ở bang Arizona để đòi quyền cho người lao động tình dục |
Quy trình càn quyét hoạt động mại dâm thông thường của cảnh sát Mỹ là bắt trước, hỏi sau. Trong những năm gần đây, cảnh sát ở nhiều khu vực bắt đầu chuyển sang phương pháp nhẹ nhàng hơn. Thông thường, khi một gái bán hoa bị bắt, chủ chứa hoặc bọn ma cô sẽ nộp tiền bảo lãnh và cô ta sẽ tiếp tục sống dưới sự quản lý của chúng, giao nộp gần hết hoặc toàn bộ số tiền kiếm được và lặp đi lặp lại vòng quay đó. Hiện nay, cảnh sát vẫn tiếp tục bắt giữ nhiều gái bán hoa và truy nã chủ chứa, đồng thời hợp tác với các hội luật sư nhằm giúp các cô gái lầm đường muốn giải thoát.
Năm 2013, Viện Y dược và Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ tiến hành nghiên cứu về nạn mua bán mại dâm và bóc lột trẻ dưới tuổi thành niên. Chương trình nghiên cứu đưa ra khuyến nghị cho “các phương pháp hợp tác hiệu quả hơn, xây dựng trên đóng góp của người dân và các cơ quan tổ chức đa ngành”.
“Chúng ta thường không quan tâm đủ tới các loại tội phạm này, vì độ phổ biến của chúng trong xã hội và thường diễn ra sau các cánh cửa đóng kín. Các nạn nhân không lên tiếng, và những người thường xuyên tiếp xúc với nạn nhân có thể thiếu ý thức hoặc phương tiện để nhận biết chính xác và giúp đỡ các nạn nhân", các nhà nghiên cứu lập luận.
Theo những người biểu tình ngoài nhà thờ năm ngoái để chống lại cái mà họ gọi là "áp đặt đạo đức lên lao động tình dục", cách phân tích chung chung đó không phù hợp với Dự án Hoa hồng. Sinh viên Monica Jones là một trong những người đó. Cô là một nhà hoạt động xã hội vì giới lao động tình dục, từng bị cảnh sát Phoenix bắt năm 2013 vì “bán dâm công khai”. Monica khẳng định Roe-Sepowitz đã sai lầm khi cho rằng một người không bao giờ có thể vượt qua quá khứ bán thân.
“Với tư cách của một người làm công tác xã hội, bạn phải tôn trọng khách hàng. Nhưng bà ấy (Roe-Sepowitz) lại nghĩ, nếu bạn đã bán dâm một lần, bạn chẳng bao giờ thoát khỏi thân phận đó”.
Monica từng tham gia vào chương trình cải tạo của Dự án hoa hồng. Cô phàn nàn rằng họ bắt cô nghe các cảnh sát ở lực lượng chống tội phạm xã hội thành phố Phoenix mô tả các cô gái dấn chân vào con đường buôn phấn bán hương, rồi đắm chìm vào ma túy hoặc tệ hơn. Monica không thích giọng điệu nhấn mạnh quá đà vào khía cạnh tôn giáo của chương trình. Cuối cùng, chương trình đề nghị Monica rút ra trước khi quan điểm cá nhân của cô ảnh hưởng tới các thành viên khác.
“Tôi không xấu hổ vì tôi là một người lao động tình dục. Tôi liên tục nhắc lại điều này khi tham gia chương trình cải tạo. Các chị, em gái có thể hỏi tôi vì sao tôi không có cùng suy nghĩ như họ. Bởi vì tôi có quyền đối với cơ thể của chính mình”, cô nói.
Nguồn Zing News